Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ trong chuyến kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại hai tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, ngày 13/7.
Hướng dẫn chấm mở, biểu điểm rõ ràng
Kiểm tra thực tế các phòng chấm thi tự luận và trắc nghiệm của Hội đồng thi Sở GDĐT Yên Bái, Phú Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dành nhiều thời gian trao đổi với lãnh đạo, cán bộ chấm thi về những nội dung liên quan đến đáp án/hướng dẫn chấm môn tự luận, quy trình/kỹ thuật chấm môn trắc nghiệm.
Hội đồng thi Sở GDĐT tỉnh Yên Bái năm 2021 có 8.033 bài thi môn tự luận, 22.688 bài thi trắc nghiệm. Địa phương huy động 124 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác chấm thi.
"82 cán bộ trực tiếp chấm môn tự luận đều là giáo viên THPT vững về chuyên môn, được lựa chọn từ các vùng miền khác nhau của Yên Bái, để đảm bảo mặt bằng chung trong công tác chấm. Thầy cô được tập huấn kỹ lưỡng về nghiệp vụ, quy chế chấm thi; được tiêm phòng vắc xin để phòng chống Covid-19", ông Bùi Văn Xuân, Phó trưởng ban chấm thi Hội đồng thi Sở GDĐT tỉnh Yên Bái cho hay.
Ông Bùi Văn Xuân cho biết thêm, ngày 12/7 sau khi khai mạc chấm môn Ngữ văn, Ban chấm thi tự luận đã dành gần 4 tiếng để trao đổi kỹ lưỡng về đáp án, hướng dẫn chấm, cũng như thảo luận về 10 bài chấm chung nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức chấm của các thành viên.
Quá trình nghiên cứu hướng dẫn và đáp án, cũng như trực tiếp chấm thi 2 ngày qua, cán bộ chấm thi đánh giá đáp án và biểu điểm môn Ngữ văn rất rõ ràng. Hướng dẫn chấm - căn cứ quan trọng nhất để chấm thi môn Ngữ văn- được xây dựng theo hướng mở, cho phép người chấm linh hoạt trong đánh giá bài làm của thí sinh, kể cả các bài có quan điểm mang tính phản biện.
Tại Hội đồng thi Sở GDĐT Phú Thọ, các cán bộ chấm thi tự luận cũng cho biết, công tác chấm bài khá thuận lợi nhờ hướng dẫn chấm vừa rõ ràng, vừa có tính mở. Những sáng tạo trong bài làm của thí sinh được đánh giá linh hoạt. Hội đồng quán triệt kỹ lưỡng tinh thần đảm bảo cao nhất quyền lợi cho thí sinh trong công tác chấm thi.
"Chúng tôi đã tập duyệt 2 lần công tác chấm thi cho cán bộ, giáo viên; tập huấn Quy chế và đề nghị cán bộ chấm thi nghiên cứu kỹ đáp án cùng hướng dẫn chấm để tránh thiệt thòi cho thí sinh", ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng ban thường trực BCĐ thi tỉnh Phú Thọ cho biết.
Với số lượng gần 16.000 bài thi tự luận, hơn 74.000 bài thi trắc nghiệm, được 177 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi từ ngày 12/7, Hội đồng thi Sở GDĐT Phú Thọ khẳng định sẽ hoàn thành việc chấm đúng tiến độ, đảm bảo công bằng, chất lượng.
Đặt quyền lợi của thí sinh lên cao nhất
Ghi nhận công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện với các biện pháp đảm bảo an ninh Quy chế, an toàn phòng dịch của Yên Bái, Phú Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Hội đồng thi tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành công tác chấm thi, đảm bảo an toàn về dịch và chất lượng tốt nhất. Những tình huống phát sinh trong quá trình chấm, khi xử lý, phải ưu tiên đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Việc chọn người vừa có năng lực chuyên môn, vừa ngay ngắn, trách nhiệm để tham gia chấm thi là đặc biệt quan trọng. "Từng thành viên làm tốt nhiệm vụ của mình thì hoạt động của cả Hội đồng sẽ hiệu quả, chất lượng", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, đồng thời hoan nghênh Hội đồng chấm thi tỉnh Yên Bái đã sơ đồ hóa quy trình chấm thi, dán trong mỗi phòng chấm, để từng thầy cô nắm rõ đường đi của bài chấm và thực hiện đúng.
Các quy định trong chấm thi tự luận như: một bài thi phải được chấm bởi 2 cán bộ chấm độc lập, có thống nhất điểm, chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi; chấm trắc nghiệm theo quy trình 4 bước… được Thứ trưởng yêu cầu thực hiện đúng. Trong đó, công tác chấm tự luận phải chắc chắn, đều tay; cán bộ chấm cần nắm rõ đáp án và hướng dẫn chấm để cho điểm những bài làm sáng tạo, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Việc chấm bài trắc nghiệm phải đảm bảo an toàn, chặt chẽ trong từng công đoạn. Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần tăng cường triển khai, trên tinh thần hỗ trợ, tư vấn kịp thời, giúp công tác chấm thi đạt hiệu quả, chất lượng, nghiêm túc, đúng quy chế.